Chủ đề công tác năm 2020: "Tuổi trẻ Bình Dương Tự hào tiến bước dưới cờ Đảng" - Chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020)

Các bệnh thường gặp ở người cao tuổi và biện pháp phòng ngừa

Rate this post

Cơ thể chúng ta là một bộ máy thống nhất, bất kỳ sự thay đổi nào từ tâm lý đến thể chất đều sẽ ảnh hưởng đến sự hoạt động bình thường của nó.

Rất nhiều sự thay đổi bất thường sẽ xuất hiện trên cơ thể khi chúng ta già đi. Tuổi càng cao, hệ miễn dịch suy yếu, các chức năng của cơ thể bị suy giảm, sức khỏe yếu dần khiến người cao tuổi cảm thấy khó khăn hơn trong các sinh hoạt hàng ngày. Vậy, phải làm thế nào để nhận biết và phòng ngừa sớm các căn bệnh này? Hãy cùng Keylinks tìm hiểu qua những chia sẻ sau đây nhé!

Các bệnh thường gặp ở người cao tuổi và biện pháp phòng ngừa

 

Các bệnh thường gặp ở người cao tuổi

Bệnh về hệ hô hấp

Các bệnh thường gặp ở người cao tuổi và biện pháp phòng ngừa

 

Nguyên nhân:

Khi thời tiết chuyển mùa, sức đề kháng bị suy giảm, người cao tuổi rất dễ mắc phải các bệnh do virus, vi khuẩn gây ra, điển hình như: Bệnh viêm họng, viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, tâm phế mạn tính, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…

Đặc biệt hơn, bệnh này rất phổ biến với những người có tiền sử hút thuốc lá hoặc đang hút thuốc và những người sống trong tình trạng thiếu dưỡng khí như: nhà chật hẹp, thiếu ánh sáng, khói bếp nhiều…

Cách phòng ngừa:

Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng, nhất là khi chuẩn bị ăn uống, sau khi đi vệ sinh, không hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc, khói bếp, làm sạch thoáng không gian sống,… là biện pháp tối ưu để phòng bệnh hô hấp.

Cần chú ý uống nhiều nước để cơ thể đào thải tốt các độc chất có trong cơ thể. Giữ ấm cơ thể khi thời tiết thay đổi và vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày.

Bệnh về hệ xương khớp

Các bệnh thường gặp ở người cao tuổi và biện pháp phòng ngừa

 

Cơ xương khớp là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi với tỷ lệ mắc ngày càng cao. Tuy nó ít dẫn đến tử vong và biểu hiện không nguy cấp như các bệnh về tim mạch, hô hấp, ung thư… nhưng bệnh cơ xương ở người cao tuổi lại có ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng vận động cũng như sinh hoạt thường ngày.

Nguyên nhân:

Chức năng tạo sụn và chất nhờn của các khớp suy yếu dần theo tuổi tác. Khi các lớp sụn đệm bị bào mòn, lúc này các đầu xương sẽ ma sát va chạm trực tiếp với nhau, gây đau nhức khi vận động.

Đau xương, khớp, thoái hóa khớp nhất là đốt sống thắt lưng, khớp gối làm cho người bệnh đau đớn, lo lắng, buồn chán, nhất là khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là mùa lạnh. Các triệu chứng đau nhức các khớp xương tương đối phổ biến ở người cao tuổi, đặc biệt là về đêm gây khó chịu ảnh hưởng đến sức khỏe, gây mất ngủ hoặc ngủ không sâu, không ngon giấc.

Cách phòng ngừa:

Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức độ thích hợp, luyện tập thể dục mỗi ngày để máu huyết lưu thông, bổ sung canxi cho cơ thể thông qua các thực phẩm chứa nhiều canxi, boron, omega 3 (cá, tôm, cua, rau củ: rau cải, súp lơ dâu tây…) và các loại hạt: hạt dẻ, hạnh nhân, đậu phộng…

Không vận động quá mạnh, phải thường xuyên thay đổi tư thế ngồi để giảm các áp lực lên xương khớp. Nên uống đủ nước ( 1-2 lít mỗi ngày ). Giữ nhịp sống vui khỏe mỗi ngày.

Bệnh về hệ thần kinh trung ương

Các bệnh thường gặp ở người cao tuổi và biện pháp phòng ngừa

 

Nguyên nhân:

Cùng với thời gian, các tế bào não bị lão hóa, mất dần và không còn khả năng liên kết với nhau khiến não bộ hoạt động ngày càng kém. Chức năng thần kinh bị suy yếu dẫn đến các mạch máu bị lão hóa và gặp khó khăn trong việc vận chuyển các chất dinh dưỡng để nuôi não.

Song song đó, tim cũng bị lão hóa không còn co bóp mạnh mẽ, làm giảm lượng oxy đến não làm cho trí nhớ giảm, hay quên, giảm khả năng tư duy, cá biệt mắc một số bệnh như: Parkinson hoặc Alzheimer…

Cách phòng ngừa:

Chế độ ăn dinh dưỡng – đủ chất (hạn chế mỡ động vật, bổ sung omega 3, Folate, vitamin E-C-B12, các loại rau củ sẫm màu… ) sẽ giúp cải thiện hoạt động của não bộ.

Thường xuyên luyện tập thể dục, các bài tập luyện trí nhớ: tính nhẩm cộng trừ, nhân, chia, tập nhớ tên người mới quen, ôn lại những việc xảy ra trong ngày trước khi ngủ… để cải thiện khả năng ghi nhớ của não bộ.

Bệnh về rối loạn tiêu hóa

Các bệnh thường gặp ở người cao tuổi và biện pháp phòng ngừa

 

Nguyên nhân:

Sự co thắt bất thường của các cơ vòng của hệ tiêu hóa, men tiêu hóa đường ruột suy giảm, khiến người cao tuổi gặp các triệu chứng: sôi bụng, đầy hơi, khó tiêu. Một số bệnh tiêu hóa mà người già thường gặp phải : sa dạ dày, các bệnh về gan mật, táo bón …Ngoài ra, người cao tuổi bị suy giảm sức khỏe và hạn chế khả năng đi lại nên các bệnh về rối loạn tiêu hóa càng gây nhiều khó khăn hơn trong các sinh hoạt thường ngày.

Cách phòng ngừa:

Để phòng tránh người cao tuổi cần tuân thủ chế độ ăn khoa học:

  • Hạn chế mỡ động vật.
  • Dùng thực phẩm dễ tiêu hóa.
  • Bổ sung thêm chất đạm, chất béo có trong dầu thực vật.
  • Thức ăn phải chế biến kỹ, đảm bảo vệ sinh và độ chín cần thiết.
  • Chia nhỏ bữa ăn với lượng vừa đủ và đều đặn hàng ngày.
  • Không thức khuya, tích cực bổ sung men vi sinh.
  • Không lạm dụng các loại kháng sinh, không uống rượu, bia.
  • Tập các bài tập cơ nhẹ: cơ tay, cơ bụng,..chạy bộ, đi dạo mỗi ngày để duy trì độ dẻo dai của các cơ…

Và một điều hết sức quan trọng là khi thấy có các biểu hiện rối loạn tiêu hóa kéo dài, người bệnh nên khẩn trương tới ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Ngoài ra, gia đình sẽ luôn là động lực sống vui khỏe của người cao tuổi: các thành viên trong gia đình nên gần gũi, động viên, quan tâm – chăm sóc ông bà, bố mẹ những lúc ốm đau, góp phần đáng kể làm cho người cao tuổi cảm thấy hạnh phúc– lạc quan hơn.